Tăng chế tài xử lý người cố tình không có mặt tại địa phương trong thời gian tuyển nghĩa vụ quân sự ?
Bộ Quốc phòng trả lời cử tri tỉnh Hưng Yên về tăng chế tài xử lý người cố tình không có mặt tại địa phương trong thời gian tuyển nghĩa vụ quân sự
Bộ Quốc phòng trả lời cử tri tỉnh Hưng Yên về tăng chế tài xử lý người cố tình không có mặt tại địa phương trong thời gian tuyển nghĩa vụ quân sựẢnh minh họa
Bộ Quốc phòng nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Hưng Yên do Ban Dân nguyện chuyển đến tại Công văn số 368/BDN ngày 29/10/2020, với nội dung: “Cử tri phản ánh về công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ tuyển quân hằng năm gặp một số khó khăn: Xử lý vi phạm đối với trường hợp cố tình không có mặt tại địa phương trong thời gian xét tuyển để lấy lý do không nhận lệnh khám tuyển nghĩa vụ quân sự. Đề nghị nghiên cứu trình Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung quy định tại khoản 1, Điều 10 Luật Nghĩa vụ quân sự để có chế tài xử lý nghiêm minh vừa xử phạt được, đồng thời có tính giáo dục răn đe” (câu số 11).
Ngày 10/12/2020, Bộ Quốc phòng có văn bản trả lời như sau:
Công tác quản lý nguồn công dân trong độ tuổi gọi nhập ngũ; việc gọi khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự (NVQS) được quy định tại Luật NVQS năm 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Về trình tự, thủ tục, thẩm quyền, biện pháp tiến hành trong tuyển quân được thực hiện từ thôn, xóm, tổ dân phố, khu dân cư, ấp, bản, làng, phum, sóc (sau đây gọi chung là thôn) đến cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh; trong đó, cấp huyện, cấp xã là trung tâm và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, được thực hiện bởi nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân và đơn vị nhận quân, theo quy trình, quy định chặt chẽ. Tuy nhiên, thực tiễn hiện nay do tác động của kinh tế thị trường; nhu cầu học tập, chọn việc làm của thanh niên trong độ tuổi gọi nhập ngũ tăng cao; trong khi đó, mỗi gia đình chỉ có một đến hai con, con trai thường là trụ cột của gia đình và nhiều lý do khác... vì vậy, ngày càng có nhiều công dân thuộc diện nhập ngũ đã tìm mọi cách để trốn tránh thực hiện NVQS, gây nhiều khó khăn, phức tạp cho cơ quan, tổ chức trong công tác tuyển quân hằng năm.
Trường hợp cố tình không có mặt tại địa phương trong thời gian xét tuyển để lấy lý do không nhận lệnh khám tuyển nghĩa vụ quân sự như cử tri phản ánh nêu trên, là một trong những hành vi trốn tránh thực hiện NVQS được quy định tại khoản 8, Điều 3 và khoản 1, Điều 10 Luật NVQS năm 2015; tùy theo tính chất, mức độ hành vi vi phạm sẽ bị xem xét, xử lý theo quy định tại Nghị định số 120/2013/NĐ-CP ngày 09/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu (Nghị định 120/2013/NĐ-CP); nếu cố tình vi phạm, vi phạm nhiều lần, có thể bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 59 Luật NVQS năm 2015. Hiện nay, thu nhập của người dân được nâng cao, mức xử phạt quy định tại Nghị định số 120/2013/NĐ-CP được coi là nhẹ so với hành vi vi phạm; mặt khác, quy trình, thủ tục xử phạt còn những vướng mắc, chưa kịp thời, tính răn đe hạn chế, một số công dân lợi dụng quy định hiện hành sẵn sàng nộp phạt để né tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự ... cần phải nghiên cứu, bổ sung, sửa đổi cho phù hợp.
Để khắc phục những bất cập nêu trên, Bộ Quốc phòng được Chính phủ giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, soạn thảo Nghị định thay thế Nghị định 120/2013/NĐ-CP theo hướng tăng mức xử phạt các hành vi vi phạm đủ mức răn đe, phòng ngừa; đến nay, cơ quan soạn thảo đang tiếp thu ý kiến của các cơ quan, đơn vị liên quan để hoàn chỉnh dự thảo Nghị định (lần 4) theo đúng trình tự, thủ tục, báo cáo Chính phủ xem xét, ban hành theo quy định; Cùng với đó, năm 2021, Bộ Quốc phòng tổ chức hướng dẫn các cơ quan, đơn vị và địa phương tiến hành sơ kết 5 năm thực hiện Luật NVQS năm 2015; trên cơ sở đó, đề xuất các biện pháp để tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng công tác tuyển quân hằng năm, bảo đảm đúng pháp luật, thiết thực, hiệu quả.
Trong khi chưa ban hành văn bản mới, Bộ Quốc phòng đề nghị cấp ủy, chính quyền các địa phương tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan chức năng và Hội đồng NVQS:
- Tăng cường các biện pháp, làm tốt công tác quản lý, đăng ký NVQS và tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ hằng năm; thực hiện đúng quy trình, quy định, kết hợp vận động, giáo dục với bắt buộc thực hiện, nếu cố ý vi phạm thì kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật hoặc buộc phải cưỡng chế thực hiện NVQS; làm tốt công tác tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng; đồng thời, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm để bảo đảm công bằng xã hội trong công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ hằng năm tại địa phương.
- Thực hiện tốt Chỉ thị số 98/CT-BQP ngày 26/10/2019 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về tăng cường biện pháp, nâng cao chất lượng công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ trong tình hình mới; đồng thời, phối hợp với Hội đồng nhân dân các cấp, các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân thực hiện tốt chức năng giám sát tại địa phương để công tác tuyển quân bảo đảm công bằng, dân chủ, công khai, minh bạch, đúng quy định của pháp luật.
Trên đây là nội dung trả lời của Bộ Quốc phòng đối với kiến nghị của cử tri tỉnh Hưng Yên, trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh để trả lời cử tri.
Theo CTTĐT BQP