Dự thảo Nghị quyết Thí điểm mô hình tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam
Dự thảo Nghị quyết Thí điểm mô hình tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam
Dự thảo Nghị quyết Thí điểm mô hình tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam
QUỐC HỘI |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
|
Độc lập -
Tự do - Hạnh phúc |
Nghị quyết số: /2022/QH15 |
|
NGHỊ QUYẾT
Thí điểm mô hình tổ chức
lao động, hướng nghiệp, dạy nghề
cho phạm nhân ngoài trại
giam
QUỐC HỘI
Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa
Việt Nam;
Căn cứ Luật Ban hành văn
bản quy phạm pháp luật số 80/2015/QH13 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của
Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 63/2020/QH14;
QUYẾT NGHỊ:
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm
vi điều chỉnh
Nghị quyết này quy định thí
điểm mô hình tổ chức lao động, hướng nghiệp dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại
giam, bao gồm: nguyên tắc, chế độ, việc tổ chức lao động, hướng nghiệp dạy nghề; việc sử dụng kết quả lao động của phạm nhân ngoài trại giam;
trách nhiệm, mối quan hệ phối hợp của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Các trại giam trong Công an nhân dân; cán bộ,
chiến sĩ và phạm nhân tại các trại giam trong Công an nhân dân.
2. Các cơ quan nhà nước, tổ chức,
cá nhân khác có liên quan.
Điều 3. Nguyên tắc tổ chức thí điểm mô hình tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm
nhân ngoài trại giam
1. Việc tổ chức thực hiện
thí điểm mô hình tổ chức lao động, hướng nghiệp dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại
giam phải bảo đảm tuyệt đối an toàn; phục vụ có hiệu quả công tác giáo dục cải
tạo phạm nhân, tái hòa nhập cộng đồng; ưu tiên lựa chọn ngành nghề có hàm lượng kỹ
thuật, có công nghệ phù hợp, có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm sau khi phạm
nhân chấp hành xong án phạt tù.
2. Việc tổ chức lao động,
hướng nghiệp dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam phải được cơ quan, người có
thẩm quyền phê duyệt.
3. Việc đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị
phục vụ quản lý
giam giữ, tổ
chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam do tổ chức,
cá nhân hợp tác với trại giam bảo đảm.
4. Tổ chức, cá nhân hợp tác với trại giam có
trách nhiệm hướng dẫn, dạy nghề, truyền nghề, bố trí ngành nghề lao động phù hợp,
bảo đảm các điều kiện về vệ sinh, an toàn lao động cho phạm nhân theo quy định
của pháp luật.
5. Việc tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy
nghề cho phạm nhân ngoài trại giam phải bảo đảm chế độ, chính sách cho phạm nhân
theo quy định của pháp luật.
6. Cơ quan, tổ chức, cá nhân
có hành vi vi phạm pháp luật trong thực hiện thí điểm mô hình tổ chức, hướng
nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam thì phải chịu trách nhiệm và bị
xử lý theo quy định của pháp luật.
7. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có nhiệm vụ, quyền
hạn trong thi hành án hình sự tại địa phương nơi tổ chức lao động, hướng nghiệp,
dạy nghề cho phạm nhân có trách nhiệm kiểm tra, giám sát, phối hợp với các trại
giam trong công tác thi hành án hình sự khi tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy
nghề cho phạm nhân theo thẩm quyền.
Chương II
TỔ CHỨC THỰC HIỆN THÍ ĐIỂM MÔ HÌNH TỔ CHỨC LAO ĐỘNG,
HƯỚNG NGHIỆP, DẠY NGHỀ CHO PHẠM NHÂN NGOÀI TRẠI GIAM
Điều 4. Trình
tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề
và thành lập Khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam
1. Tổ
chức, cá nhân gửi văn bản đề nghị hợp tác tổ chức lao động, hướng
nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân. Văn bản gồm các nội dung chính: Tên doanh nghiệp, mã số
doanh nghiệp, năm thành lập (kèm theo bản sao Giấy đăng ký kinh doanh hoặc giấy
phép liên quan), ngành nghề kinh doanh chính, ngành nghề dự kiến đề nghị hợp
tác lao động; diện tích, vị trí đất, nhà xưởng sản xuất dự kiến sử dụng để hợp
tác với trại giam khi tổ chức lao động, dạy nghề cho phạm nhân; dự kiến số lượng
phạm nhân sử dụng; thời gian hợp tác; vị trí việc làm, ngành nghề trong dây
truyền sản xuất để bố trí lao động (khuyến khích nêu rõ, chi tiết vị trí công
việc sử dụng, các khuyến cáo về ảnh hưởng của an toàn lao động).
2. Sau khi nhận được hồ sơ đề nghị hợp tác của tổ chức,
cá nhân, trại giam tổ chức họp Ban Giám thị, có sự tham gia của Đội trưởng các
đội nghiệp vụ như: Đội Kế hoạch, hướng nghiệp, dạy nghề và xây dựng; Đội Trinh
sát; Đội Giáo dục và hồ sơ; Đội Cảnh sát quản giáo; Đội Cảnh sát bảo vệ - cơ động;
Đội Y tế và bảo vệ môi trường; Trưởng Phân trại, ra
văn bản thống nhất chủ trương. Đồng thời thực hiện các bước sau:
a) Tổ
chức khảo sát, vị trí nhà đất, nhà xưởng của đơn vị hợp tác lao động, lập biên
bản đánh giá hiện trạng trong đó phải nêu rõ diện tích đất, nhà, nhà xưởng, vị
trí, lối giao thông tiếp cận, khoảng cách (km) đến trại giam; vị trí, khoảng
cách so với khu dân cư địa phương; lập sơ đồ vị trí, bản vẽ tổng thể dự kiến của
khu vực quản lý giam giữ, các khu vực phục vụ sinh hoạt (có kích thước), đáp ứng
yêu cầu quy mô dự kiến hợp tác tổ chức lao động theo quy định điểm c khoản 5 Điều
6 Nghị định số 133/2020/NĐ-CP, các khu vực nhà xưởng lao động, cổng vào, chòi
gác; trại giam thống nhất với tổ chức, cá nhân lập thỏa thuận nguyên tắc về hợp
tác lao động, hướng nghiệp, dạy nghề.
b) Lập Tờ trình báo cáo Cơ
quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an về chủ trương hợp tác lao động,
hướng nghiệp, dạy nghề với tổ chức, cá nhân. Tờ trình phải đầy đủ các nội dung:
Tên tổ chức, cá nhân hợp tác (kèm theo hồ sơ liên quan của doanh nghiệp); địa
điểm nơi đặt khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề; đánh giá tình hình an ninh
trật tự nơi đặt khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề; ngành nghề lao động, hướng
nghiệp, dạy nghề dự kiến hợp tác; số lượng phạm nhân dự kiến đưa ra lao động,
hướng nghiệp, dạy nghề; số lượng cán bộ, chiến sĩ dự kiến bố trí để tổ chức quản
lý; các điều kiện bảo đảm khác; kèm theo văn bản có ý kiến của chính quyền địa
phương và các tài liệu khác có liên quan.
3. Đối
với cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an: Sau khi nhận được Tờ
trình của trại giam báo cáo chủ trương hợp tác với tổ chức, cá nhân, Cơ quan quản
lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an có trách nhiệm thẩm định hoặc ra văn bản yêu cầu bổ
sung hồ sơ, tài liệu; ra quyết định đồng ý (hoặc không đồng ý) chủ trương hợp
tác với tổ chức, cá nhân của trại giam.
4. Sau khi có quyết định đồng ý chủ trương hợp tác với tổ chức,
cá nhân về lao động, hướng nghiệp, dạy
nghề cho phạm nhân ngoài trại giam, trại giam có trách nhiệm phối hợp với tổ chức, cá
nhân để triển khai xây dựng, hoàn thành các hạng mục công trình phục
vụ quản lý giam giữ cho số lượng phạm nhân dự kiến tham gia lao động, học nghề;
các công trình phục vụ quản lý, điều hành và sinh hoạt cho cán bộ, chiến sĩ. Lập hồ sơ, quy trình đảm
bảo về điều kiện về phòng cháy, chữa cháy, an toàn lao động. Lập kế hoạch chỉ
tiêu tổ chức lao động, học nghề cho số phạm nhân dự kiến bố trí ra Khu lao động,
dạy nghề ngoài trại giam. Đồng thời, trại giam có trách nhiệm phối hợp với
chính quyền địa phương, Công an cấp huyện nơi tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy
nghề cho phạm nhân để thống nhất, hoàn thành các hồ sơ, phương án nghiệp vụ
công an liên quan.
Trại giam gửi Tờ trình đề nghị Cơ
quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an thành lập Khu lao động, hướng nghiệp,
dạy nghề ngoài trại giam, kèm theo các tài liệu có liên quan.
5.
Khi nhận được Tờ trình và hồ sơ đề nghị thành lập Khu lao động, hướng nghiệp, dạy
nghề ngoài trại giam, Cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an tổ
chức kiểm tra, lập biên bản đánh giá về hiện trạng hoàn thành các hạng mục công
trình đảm bảo quản lý, giam giữ, công trình làm việc của cán
bộ, chiến sĩ, nhà xưởng nơi phạm nhân lao động, vị trí bố trí việc làm, dây truyền tổ chức lao động,
các điều kiện bảo đảm việc bố trí quản lý giam giữ, thực
hiện chế độ, chính sách đối với phạm nhân, điều kiện vệ sinh, an toàn lao động,
phương án tổ chức lao động. Đồng thời yêu cầu trại giam phối hợp với tổ chức,
cá nhân để bổ sung, hoàn thiện các điều kiện còn thiếu (nếu có).
Trên cơ sở kết quả kiểm tra, đánh giá, Cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc
Bộ Công an tổ
chức thẩm định, ra Quyết định thành lập Khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề
ngoài trại giam.
6. Căn
cứ Quyết định thành lập Khu
lao động, hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam của Cơ quan quản lý thi
hành án hình sự thuộc Bộ Công an, trại giam ký kết hợp đồng hợp tác với tổ chức,
cá nhân và sắp xếp, bố trí số lượng cán bộ, chiến sĩ, phạm nhân để tổ chức lao động, hướng
nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân. Đồng thời, gửi văn bản thông báo đến Viện kiểm
sát nhân dân cấp tỉnh, Công an cấp huyện và các cơ quan, tổ chức cá nhân khác
có liên quan để kiểm tra, kiểm sát, giám sát, phối hợp khi có yêu cầu.
Điều
5. Cơ chế quản lý Khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại
giam
1. Sau
khi ký kết hợp đồng hợp tác, tổ chức, cá nhân hợp tác
phải bàn giao cho trại giam quản lý, sử dụng Khu lao động, dạy nghề ngoài trại
giam trong thời gian hợp tác.
2. Trại giam trực tiếp giám sát, quản
lý và tổ chức lao động, dạy nghề cho phạm nhân theo quy định của pháp luật, có
chế độ lao động, trách nhiệm, nghĩa vụ tuân thủ theo quy định tại khoản 1 Điều
16 Nghị định số 133/2020/NĐ-CP ngày
09/11/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi
hành án hình sự.
3. Trại giam trực tiếp quản lý, tổ chức,
bố trí phạm nhân tham gia lao động, học nghề tại Khu lao động, dạy nghề ngoài
trại giam do tổ chức, cá nhân hợp tác theo quy định của pháp luật, bảo đảm các
chế độ lao động, sinh hoạt, quyền lợi của phạm nhân, tổ chức quản lý, trích lập
sử dụng kinh phí thu từ kết quả lao động phạm nhân tại Khu lao động, dạy nghề
ngoài trại giam.
Điều 6. Tiêu
chí, quy trình lựa chọn phạm nhân đưa ra lao động, hướng nghiệp, học nghề ngoài
trại giam
1. Không đưa phạm nhân ra khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề ngoài
trại giam thuộc một trong những trường hợp sau:
a) Phạm nhân có từ 02 tiền án trở lên;
b) Tái phạm nguy hiểm;
c) Phạm
nhân có kết quả xếp
loại thi đua chấp hành án phạt tù loại “Trung bình” hoặc “Kém”;
d) Phạm
nhân đã có hành vi trốn khỏi nơi giam hoặc bỏ trốn khỏi cơ sở giáo dục bắt
buộc;
đ) Phạm nhân là đối tượng chủ mưu, cầm đầu
trong các vụ án, tổ chức tội phạm; phạm nhân trong các vụ án kinh tế lớn dư
luận xã hội quan tâm;
e) Phạm nhân phạm một trong các tội: Lừa
đảo chiếm đoạt tài sản; Hiếp dâm; Hiếp dâm người dưới 16 tuổi; Chế tạo, tàng
trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép vũ khí quân dụng; Giết người (các
trường hợp quy định tại khoản 1); Trộm cắp tài sản có tính chất chuyên nghiệp;
Cướp tài sản hoặc Cướp giật tài sản có tính chất chuyên nghiệp hoặc sử dụng vũ
khí (các loại súng quân dụng, kiếm, mã tấu) hoặc hành hung để tẩu thoát; Các
tội xâm phạm an ninh quốc gia; Phạm nhân là người chưa thành niên; Phạm nhân
là người nước ngoài; Phạm nhân liên quan đến an ninh quốc gia.
2. Phạm
nhân đưa ra các khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam phải bảo
đảm các điều kiện:
a) Phạm nhân đưa ra khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại
giam phải có nơi cư trú rõ ràng; từ ngày đến trại giam có tư tưởng ổn định, yên
tâm chấp hành án;
b) Phạm nhân có mức án trên 15 năm, chung thân phải thuộc trường hợp
phạm tội lần đầu, đã được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù còn dưới 5 năm;
c) Phạm nhân mức án từ 15 năm
trở xuống phạm tội lần đầu hoặc đã có 1 tiền án do phạm tội vô ý và phải bảo
đảm các điều kiện: Phạm
nhân có mức án từ
trên 7 năm đến 15 năm phải chấp hành được 1/3 mức án, hạ loại giam giữ xuống
B2; Phạm nhân có mức án từ
trên 3 năm đến 7 năm đã có kết quả xếp loại thi đua chấp hành án phạt tù đạt
loại “Khá” hoặc “Tốt” 6 tháng trở lên; Phạm nhân có mức án từ 3 năm trở xuống đã có kết quả xếp loại thi
đua chấp hành án phạt tù đạt loại “Khá” hoặc “Tốt” 3 tháng trở lên.
d) Đối với số phạm nhân có tiền sử nghiện ma túy phải xem xét thận trọng, kỹ
lưỡng, chỉ lựa chọn số phạm
nhân không còn biểu hiện lệ thuộc về ma túy.
3.
Quy trình lựa chọn phạm nhân:
Cán bộ trinh sát trại giam lựa chọn, lập danh sách đề xuất Trưởng phân trại
duyệt, gửi Đội trưởng Đội Trinh sát lấy
ý kiến của Đội Giáo dục - hồ sơ, Đội Quản giáo, Đội Cảnh sát bảo vệ - cơ động,
Đội Y tế sau đó tổng
hợp và thẩm định trước khi báo cáo, đề xuất Ban Giám thị trại giam duyệt.
Điều 7. Lựa chọn, bố trí cán bộ phụ trách, quản lý khu lao động, hướng
nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam
1. Lựa chọn bố
trí những cán bộ, chiến sĩ có phẩm chất đạo đức tốt, có bản lĩnh chính trị vững
vàng, có tinh thần trách nhiệm cao làm việc tại các khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề; đối với khu
lao động có phạm
nhân nữ thì phải bố
trí cán bộ nữ.
2. Mỗi khu lao
động, hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam lựa chọn một cán bộ sĩ quan nghiệp
vụ có kinh nghiệm trong công tác để phụ trách và chịu trách nhiệm chính điều
hành các hoạt động của cán bộ, chiến sĩ và phạm nhân.
Điều 8. Công tác bảo đảm an ninh,
an toàn giam giữ
Công tác bảo đảm an ninh, an toàn giam giữ tại Khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm
nhân ngoài trại giam được thực hiện đúng
như tại trại giam theo quy định của Luật Thi hành án hình sự và các văn bản quy định chi tiết
hướng dẫn thi hành.
Điều 9. Thực hiện chế độ, chính
sách cho phạm nhân khi tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân
ngoài trại giam
1. Phạm nhân lao động, hướng
nghiệp, học nghề ngoài trại giam được đảm bảo quyền lợi, thực hiện nghĩa vụ và
hưởng chế độ, chính sách như phạm nhân trong trại giam theo quy định của Luật
Thi hành án hình sự và các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành.
2. Trường hợp phạm nhân vi phạm
đến mức phải xử lý kỷ luật với hình thức phạt giam tại buồng kỷ luật thì đưa phạm
nhân đó về trại giam để xử lý kỷ luật theo quy định.
Điều
10. Chế độ lao động, hướng nghiệp, học nghề của phạm nhân ngoài trại giam và sử dụng
kết quả lao động, học nghề của phạm nhân
1. Chế độ lao động, hướng nghiệp, học nghề của phạm nhân ngoài trại giam
thực hiện như chế độ lao động, hướng nghiệp, học nghề của phạm nhân trong trại
giam.
2. Phạm nhân được tổ chức lao động, hướng nghiệp, học nghề trong khu vực
có hàng rào bảo vệ và các hạng mục công trình đảm bảo an ninh, an toàn; đáp ứng
đủ điều kiện vệ sinh, an toàn lao động. Phạm nhân chưa có tay nghề được tổ chức
học nghề, truyền nghề trước khi lao động.
3. Kết quả lao động, học nghề của phạm nhân ngoài
trại giam được sử dụng như đối với kết quả lao động, học nghề của phạm nhân trong
trại giam theo quy định.
Chương III
TỔ CHỨC, CÁ NHÂN THAM GIA HỢP TÁC ĐỂ TỔ CHỨC LAO
ĐỘNG, HƯỚNG NGHIỆP, DẠY NGHỀ CHO PHẠM NHÂN NGOÀI TRẠI GIAM
Điều 11. Điều kiện, tiêu chí lựa chọn tổ chức, cá
nhân hợp tác với trại giam
Trại giam cân nhắc, lựa chọn
tổ chức, cá nhân để hợp tác tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm
nhân phải đảm bảo đủ các điều kiện sau đây:
1. Tổ chức không có yếu tố nước
ngoài, cá nhân có quốc tịch Việt nam, có năng lực đáp ứng được yêu cầu của trại
giam về tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân.
2. Có giấy
chứng nhận đăng ký kinh doanh, ngành nghề hợp pháp hoặc đăng ký kinh doanh
ngành nghề của hộ kinh doanh cá thể do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp, ban
hành kèm theo giấy chứng nhận điều kiện kinh doanh đối với các ngành nghề hợp
tác lao động là ngành nghề có điều kiện.
3. Khoảng cách địa lý từ Khu lao động, hướng nghiệp,
dạy nghề dự kiến tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân đến
phân trại gần nhất của trại giam không quá 50km để thuận tiện cho công tác theo dõi, quản lý
và kịp thời chỉ huy, chỉ đạo khi có tình huống đột xuất, bất ngờ xảy ra; đóng
trên địa bàn có tình hình an ninh trật tự ổn định; có vị trí giao thông tiếp cận
thuận lợi, dễ giám sát.
4. Phải có đủ diện tích nhà xưởng hoặc khu vực nơi tổ
chức cho phạm nhân lao động học nghề phải đảm bảo ít nhất cho 20 phạm nhân
lao động, học nghề tập trung.
Điều 12. Ngành
nghề tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề
1. Ưu
tiên lựa chọn ngành nghề có dây chuyền sản xuất, phương thức tổ chức vận hành ổn
định, có hàm lượng kỹ thuật, công nghệ cao, tạo điều kiện để phạm nhân có
nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm sau khi chấp hành xong án phạt tù.
2.
Ngành nghề tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề không thuộc danh mục các
ngành nghề có mức độ điều kiện lao động độc hại, nguy hiểm từ mức độ V trở lên
theo quy định Thông tư số 11/2020/TT-BLĐTBXH ngày 12/11/2020 của Bộ Lao động
Thương binh và Xã hội về việc Ban hành Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc
hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Một số
ngành nghề thuộc Danh mục các ngành nghề còn lại trong điều kiện cho phép,
doanh nghiệp phải cam kết tổ chức dạy nghề, vận hành an toàn cho phạm nhân và
được cấp phép vận hành.
Điều 13.
Chính sách khuyến khích, thu hút tổ chức, cá nhân đầu tư
1. Tổ chức, cá nhân được khuyến khích, tạo điều kiện để đầu tư, hợp tác
với trại giam tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại
giam.
2. Chính phủ quy định chi tiết điều này.
Điều 14.
Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân hợp tác với trại giam tổ chức lao động, hướng
nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam
1. Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ công tác quản lý giam giữ, tổ
chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân và các công trình phục vụ
cán bộ, chiến sĩ, bảo đảm an ninh an toàn khu nhà xưởng theo hướng
dẫn của trại giam.
2. Tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân theo đúng hợp
đồng đã ký kết.
3. Phối hợp với trại giam tạo điều kiện để các cơ quan, đơn vị có liên
quan thực hiện đúng chức năng kiểm tra, giám sát quá trình chấp hành án phạt tù
của phạm nhân theo quy định pháp luật.
4. Khi xảy ra tai nạn lao động, mất an toàn lao động,
tổ chức, cá nhân hợp tác có trách nhiệm thực hiện theo quy định của Bộ luật Lao
động, Luật An toàn vệ sinh lao động và các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn
thi hành; Phối hợp với trại giam để xác định, làm rõ nguyên nhân trong quá
trình điều tra tai nạn lao động.
Chương IV
TRÁCH NHIỆM
CỦA CƠ QUAN, TỔ CHỨC, CÁ NHÂN TRONG THÍ ĐIỂM MÔ HÌNH TỔ CHỨC LAO ĐỘNG, HƯỚNG
NGHIỆP, DẠY NGHỀ CHO PHẠM NHÂN NGOÀI TRẠI GIAM
Điều 15.
Trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Công an trong quản lý thực hiện thí điểm tổ chức
lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam
Bộ trưởng Bộ Công an có trách nhiệm trình cơ quan, người có thẩm quyền
ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm
pháp luật về mô hình tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân
ngoài trại giam.
Điều 16. Trách nhiệm của Cơ quan quản lý thi hành án hình sự
thuộc Bộ Công an
Cơ quan quản lý thi hành án
hình sự thuộc Bộ Công an phân công đơn vị xây dựng quy trình, tổ chức thẩm định
và ban hành quyết định thành lập Khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm
nhân ngoài trại giam.
Điều 17.
Trách nhiệm của trại giam trong tổ chức lao động, hướng nghiệp dạy nghề cho phạm
nhân ngoài trại giam
1. Căn cứ vào điều kiện cụ thể của trại giam, khả năng hợp tác với tổ chức,
cá nhân, lập Tờ trình đề nghị thành lập khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề
cho phạm nhân ngoài trại giam, trình Cơ
quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an xem xét, phê duyệt.
2. Ký kết hợp đồng hợp tác với tổ chức, cá nhân để tổ chức lao động, hướng
nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân theo đúng kế hoạch đã được phê duyệt.
3. Trực tiếp quản lý, tổ chức, bố trí phạm nhân tham gia lao động, hướng
nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam;
4. Chịu trách nhiệm bảo đảm an ninh, an toàn trong quá trình tổ chức lao
động, hướng nghiệp dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam.
5. Khi tổ chức đưa phạm nhân đi lao động ngoài trại giam phải thông báo
cho Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, cơ quan Công an cấp huyện và các cơ quan,
tổ chức cá nhân khác có liên quan để kiểm tra, kiểm sát, giám sát, phối hợp khi
có yêu cầu.
6. Mở hệ thống sổ kế toán để theo dõi, hạch toán kết quả thu, chi từ hoạt
động lao động, hướng nghiệp, học nghề của phạm nhân.
7. Khi xảy ra tai nạn lao động, mất an toàn lao động, trại
giam có trách nhiệm thực hiện theo quy định Luật Thi hành án hình sự, Luật An
toàn vệ sinh lao động và các quy định pháp luật khác có liên quan.
Trong đó có chi hỗ trợ phạm nhân bị tai nạn lao động (từ nguồn 2% trích từ kết
quả lao động của phạm nhân theo quy định tại Điều 17 Nghị định 133/2020/NĐ-CP của
Chính phủ).
Điều 18.
Quan hệ phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan
1. Viện Kiểm sát nhân dân cấp tỉnh nơi tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy
nghề cho phạm nhân có trách nhiệm kiểm sát việc tuân theo pháp luật của cơ
quan, người có thẩm quyền và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan trong
thi hành án hình sự.
2. Công an cấp huyện nơi tổ chức lao động cho phạm nhân có trách nhiệm
phối hợp với trại giam để giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan đến an
ninh, trật tự theo thẩm quyền.
3. Bộ Y tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ
Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan, tổ chức khác có liên quan trong phạm vi
trách nhiệm, quyền hạn của mình có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, giám sát,
phối hợp với trại giam để bảo đảm an ninh, an toàn và tổ chức lao động, hướng
nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân theo quy định của Luật Thi hành án hình sự.
Chương V
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 19. Hiệu
lực thi hành
1. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày … tháng… năm… và hết hiệu
lực khi Luật Thi hành án hình sự số 41/2019/QH14 ngày 14/6/2019 đã được sửa đổi,
bổ sung một số điều có liên quan về nội dung này và có hiệu lực thi hành.
2. Trường hợp có quy định khác nhau giữa Nghị quyết này và luật, nghị
quyết khác của Quốc hội ban hành trước ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành
về cùng một vấn đề trong tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân
ngoài trại giam thì áp dụng quy định của Nghị quyết này.
3. Chính phủ chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Nghị quyết này.
4. Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức
thành viên của Mặt trận trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, giám sát việc
thực hiện Nghị quyết này.
Nghị quyết này được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
khóa…, kỳ họp thứ… thông qua ngày… tháng… năm…/.
|
CHỦ TỊCH
QUỐC HỘI Vương Đình
Huệ |