NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944-22/12/2024), KỶ NIỆM 90 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG LỰC LƯỢNG DÂN QUÂN TỰ VỆ VIỆT NAM (28/3/1935-28/3/2025) ... Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dân quân tự vệ và du kích là lực lượng của toàn dân tộc, là một lực lượng vô địch, là bức tường sắt của Tổ quốc, vô luận kẻ địch hung bạo thế nào hễ đụng vào lực lượng đó, bức tường đó, thì địch nào cũng phải tan rã”.

Giới thiệu về Học viện Chính trị của Quân đội nhân dân Việt Nam

Giới thiệu về Học viện Chính trị của Quân đội nhân dân Việt Nam

     Giới thiệu về Học viện Chính trị của Quân đội nhân dân Việt Nam


    Tên trường: Học viện Chính trị.

    Ngày truyền thống của Học viện Chính trị: 25-10-1951.

    Chức năng, mục tiêu đào tạo của Học viện Chính trị: Đào tạo sĩ quan chính trị cấp trung đoàn, sư đoàn (chính ủy).

    Địa chỉ của Học viện Chính trị: Đường Ngô Quyền, Hà Đông, thành phố Hà Nội.

    Thông tin chi tiết:

    - Tên trường: Học viện Chính trị (Political Academy).

    - Trụ sở: 124, Ngô Quyền, Quang Trung, Hà Đông, Hà Nội.

    - Tạp chí của Học viện: Tạp chí Giáo dục lý luận chính trị quân sự

    - Website của Học viện: http://hocvienchinhtribqp.edu.vn

    - Điện thoại: (069) 568.580                  Email: hvctbqp@gmail.com

    Sau Chiến dịch Biên giới năm 1950, để đáp ứng yêu cầu xây dựng sức mạnh chính trị, tinh thần cho Quân đội, tháng 7 năm 1951, Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị cho Tổng Quân ủy ra Quyết định thành lập Trường Chính trị Trung cấp Quân đội nhân dân Việt Nam (tiền thân của Học viện Chính trị ngày nay). Ngày 25 tháng 10 năm 1951, Nhà trường vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và huấn thị. Để ghi nhớ công ơn của Đảng và Bác Hồ, được sự đồng ý của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, ngày 25 tháng 10 trở thành Ngày Truyền thống của Học viện Chính trị.

    Trải qua quá trình hình thành và phát triển, các thế hệ cán bộ, giảng viên, học viên, quân nhân chuyên nghiệp, nhân viên, hạ sĩ quan, binh sĩ trong toàn Học viện bằng tâm huyết, trí tuệ và cả xương máu của mình đã xây nên truyền thống “Kiên định và phát triển, đoàn kết và kỷ luật, chủ động sáng tạo, khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ”.

    1. Các giai đoạn phát triển

    - Trường Chính trị Trung cấp Quân đội nhân dân Việt Nam (từ tháng 7/1951 đến tháng 5/1956);

    - Trường Lý luận chính trị (từ tháng 6/1956 đến tháng 02/1958);

    - Trường Chính trị Trung, cao cấp Quân đội nhân dân Việt Nam (từ tháng 3/1958 đến tháng 02/1961);

    - Hệ Chính trị, Học viện Quân chính (từ tháng 3/1961 đến tháng 4/1965);

    - Học viện Chính trị (từ tháng 5/1965 đến tháng 01/1982);

    - Học viện Chính trị - quân sự (từ tháng 02/1982 đến tháng 10/2008);

    - Học viện Chính trị (từ tháng 11/2008 đến nay).

    2.Cơ cu tổ chức

    Theo Quyết định số 796/QĐ-TM ngày 16/10/2020 của Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, về việc ban hành Biểu tổ chức, biên chế Học viện Chính trị (thời bình) gồm: Ban Giám đốc, 07 phòng, 02 ban, 01 Viện Khoa học xã hội và nhân văn quân sự, 01 Tạp chí Giáo dục lý luận chính trị quân sự, 14 khoa giáo viên, 06 hệ học viên. Đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục của Học viện được đào tạo cơ bản, có kinh nghiệm giảng dạy và nghiên cứu khoa học; nhiều cán bộ, giảng viên đã trải qua chiến đấu, giữ cương vị lãnh đạo, chỉ huy, quản lý đơn vị, có năng lực tổ chức tốt hoạt động giảng dạy, quản lý giáo dục theo mục tiêu, yêu cầu đào tạo. Hiện nay, 100% giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục của Học viện có trình độ đại học và sau đại học (sau đại học: 70, 65%) đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ giáo dục và đào tạo, nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn trong lĩnh vực quân sự, giải quyết những vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

    3. Những nét chính về giáo dục và đào tạo, nghiên cứu khoa học

    a) Về giáo dục và đào tạo

    Trải qua nhiều xây dựng và trưởng thành, Học viện Chính trị đã đào tạo, bồi dưỡng được hàng vạn cán bộ chính trị, cán bộ giảng dạy, nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn cho Quân đội nhân dân Việt Nam; hàng ngàn cán bộ cho Quân đội nhân dân Lào, Quân đội Hoàng gia Campuchia và đào tạo cán bộ nguồn nhân lực bậc cao cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước… Đội ngũ cán bộ đã qua đào tạo tại Học viện Chính trị có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt; có kiến thức toàn diện, chuyên sâu về công tác đảng, công tác chính trị, về khoa học xã hội nhân văn quân sự; có năng lực lãnh đạo, chỉ huy quản lý hoàn thành tốt nhiệm vụ, khẳng định được vị trí, vai trò và uy tín trên cương vị công tác, nhiều đồng chí đã phát triển trở thành tướng lĩnh trong Quân đội, cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước và nhà khoa học có uy tín.

    * Các đối tượng đào tạo, bồi dưỡng của Học viện

    - Đào tạo cán bộ chính trị cấp trung, sư đoàn trình độ đại học;

    - Đào tạo chính ủy cấp trung, sư đoàn Binh chủng Hợp thành, quân chủng, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển;

    - Đào tạo giảng viên khoa học xã hội và nhân văn quân sự (08 chuyên ngành);

    - Đào tạo giảng viên cho Quân đội nhân dân Lào (04 chuyên ngành);

    - Đào tạo ngắn hạn cán bộ chính trị cấp trung, sư đoàn;

    - Đào tạo hoàn thiện đại học cán bộ chính trị cấp trung, sư đoàn;

    - Đào tạo ngắn hạn lý luận chính trị và công tác đảng, công tác chính trị;

    - Đào tạo, hoàn chỉnh chương trình cao cấp lý luận chính trị;

    - Đào tạo trình độ thạc sĩ (09 chuyên ngành): Triết học; Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam; Xây dựng Đảng và chính quyền Nhà nước; Kinh tế chính trị Mác - Lênin; Chủ nghĩa xã hội khoa học; Tâm lý học; Giáo dục học; Quản lý giáo dục; Hồ Chí Minh học.

    - Đào tạo trình độ tiến sĩ (08 chuyên ngành): Chủ nghĩa duy vật biện chứng và duy vật lịch sử; Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam; Xây dựng Đảng và chính quyền Nhà nước; Kinh tế chính trị Mác -Lênin; Chủ nghĩa xã hội khoa học; Tâm lý học; Lý luận và Lịch sử giáo dục; Quản lý giáo dục.

    - Bồi dưỡng nghiệp vụ công tác đảng, công tác chính trị cho cán bộ trong Quân đội;

    - Bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho đối tượng 2 là cán bộ cấp cục, vụ, viện và tương đương ở các ban, bộ, ngành Trung ương;

    - Bồi dưỡng ngắn hạn chuyên ngành giáo dục tâm lý sĩ quan cao cấp Quân đội Hoàng gia Campuchia;

    - Tập huấn giáo viên chính trị Quân đội nhân dân Lào.

    * Hình thức đào tạo:

    - Đào tạo chính quy tập trung dài hạn;

    - Đào tạo chính quy tập trung ngắn hạn;

    - Bồi dưỡng ngắn hạn.

    * Trình độ đào tạo: Đại học, Thạc sĩ, Tiến sĩ.

    b) Về nghiên cứu khoa học             

    Nghiên cứu khoa học của Học viện Chính trị có sự phát triển mạnh mẽ và đã đạt được những kết quả quan trọng. Từ khi thành lập đến nay, Học viện đã biên soạn nhiều giáo trình, tài liệu dạy học, sách tham khảo, sách chuyên khảo và sách chuyên đề đấu tranh tư tưởng lý luận. Tổ chức nhiều cuộc hội thảo khoa học cấp Học viện, xuất bản sách, kỷ yếu hội thảo. Học viện đã hoàn thành đúng tiến độ, có chất lượng các đề tài nghiên cứu, chương trình khoa học các cấp bao gồm: Cấp Nhà nước, cấp Bộ Quốc phòng, cấp ngành (TCCT, BTTM), cấp Học viện, cấp trực thuộc Học viện.Các đề tài nghiên cứu, chương trình khoa học đều hướng vào nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, giải quyết những vấn đề mới nảy sinh về lý luận và thực tiễn. Kết quả nghiên cứu các đề tài, chương trình khoa học đã trực tiếp góp phần nâng cao chất lượng đào tạo ở Học viện; góp phần đấu tranh chống các quan điểm sai trái thù địch, bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đồng thời, cung cấp luận cứ khoa học cho Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác quân sự, quốc phòng, xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị, xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong tình hình mới. Công bố hàng vạn bài báo khoa học trên các báo, tạp chí khoa học trong và ngoài Quân đội; tổ chức tốt các buổi thông tin khoa học phục vụ nghiên cứu và giảng dạy. Tạp chí Giáo dục lý luận chính trị quân sự của Học viện hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, đã phát hành hàng trăm số, đa dạng về nội dung, hình thức, đảm bảo về chất lượng, đáp ứng nhu cầu bạn đọc trong và ngoài Học viện.

    4.  Thành tích tiêu biểu

    Với những kết quả đạt được trong giáo dục và đào tạo, nghiên cứu khoa học, góp phần quan trọng vào quá trình xây dựng Quân đội, sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, Học viện đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý: 02 lần phong tặng Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (01 Danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” thời kỳ chống Mỹ, cứu nước (năm 2000); 01 Danh hiệu “Anh Hùng lực lượng vũ trang nhân dân” thời kỳ đổi mới (năm 2020));01 Huân chương Sao vàng (năm 2011); 02 Huân chương Hồ Chí Minh (năm 1991, 2001); 04 Huân chương Quân công (hạng Nhất: năm 1976, 1984, 2016; hạng Nhì: năm 2005); 02 Huân chương Độc lập (hạng Nhất: năm 2006, hạng Nhì: năm 2004); 04 Huân chương Chiến công (hạng Nhất: năm 1960, 1964; hạng Nhì: năm 1986; hạng Ba: năm 2003); 02 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba (năm 2010, 2012); 03 Huân chương Itxala của Nhà nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào (hạng Nhất: năm 1977, 2000; hạng Nhì: năm 2018); 02 Huân chương Hữu nghị hạng Ba của Vương quốc Campuchia (năm 2004, 2018) và nhiều phần thưởng cao quý khác.

    5. Sứ mạng

    Đào tạo nguồn nhân lực bậc cao, bồi dưỡng nhân tài cho quân đội và quốc gia; nghiên cứu, phát triển khoa học xã hội và nhân văn quân sự, tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, xây dựng và bảo vệ Tổ quốcViệt Nam xã hội chủ nghĩa.

    6Tầm nhìn

    Phấn đấu trở thành trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chính trị, nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn quân sự hàng đầu của quân đội và quốc gia, có uy tín cao trong khu vực và trên thế giới.

    7. Giá trị cốt lõi: Kiên định – Sáng tạo – Kỷ cương – Chất lượng.

    Kiên định với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu, lý tưởng của Đảng.

    Sáng tạo trong học tập, công tác và nghiên cứu khoa học.

    Giữ vững kỷ luật, kỷ cương là sức mạnh của Học viện.

    Chất lượng giáo dục và đào tạo, nghiên cứu khoa học là yếu tố quan trọng hàng đầu.

     


     

    Tác giả: Ban KT&BĐCLGDĐT
    Nguồn: Học viện Chính trị

    Nội dung chính

      Tin mới