Giới thiệu về Học viện Lục quân của Quân đội nhân dân Việt Nam
Giới thiệu về Học viện Lục quân của Quân đội nhân dân Việt Nam
Giới thiệu về Học viện Lục quân của Quân đội nhân dân Việt Nam Cảnh quan khu vực Sở chỉ huy và cơ quan Học viện Lục quân. Ảnh: Công Sinh. Nguồn qdnd.vn
Tên trường: Học viện Lục quân.
Ngày truyền thống của Học viện Lục quân: 07-07-1946.
Chức năng, mục tiêu đào tạo của Học viện Lục quân: Đào tạo cán bộ sĩ quan Lục quân cấp chiến thuật- chiến dịch cấp trung đoàn-sư đoàn, các chuyên ngành chỉ huy-tham mưu lục quân (tương ứng với các binh chủng thuộc quân chủng Lục quân).
Địa chỉ của Học viện Lục quân: Phường 9, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.
Thông tin chi tiết:
- Tên trường: Học viện Lục quân (The Army Academy).
- Trụ sở: 02B Lữ Gia, Phường 9, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng
- Tạp chí của Học viện: Tạp chí Nghiên cứu Chiến dịch Chiến thuật
- Website của Học viện: Website Học viện Lục quân (Địa chỉ: Internet: www.hvlq.vn - Quân sự: www.hvlq.bqp).
- Điện thoại: (069) 698.855 Email: Internet bbthvlq@gmail.com - Quân sự hvlq@tttt.bqp.vn
1. LỊCH SỬ HÌNH THÀNH, PHÁT TRIỂN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC
a. Khái quát lịch sử hình thành, phát triển
Ngày 7/7/1946 theo Chỉ thị của Thường vụ Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, lớp Huấn luyện Bổ túc Quân sự trung cấp đầu tiên của Quân đội ta khai giảng tại Tông - Sơn Tây, sự kiện này đánh dấu sự ra đời của Học viện Lục quân ngày nay.
Kể từ ngày thành lập đến nay, Học viện đã nhiều lần thay đổi tên gọi, quy trình, mục tiêu, nội dung đào tạo. Từ Trường Bổ túc trung, sơ cấp; Trường Bổ túc Quân chính sơ cấp, trung cấp đến Trường Bổ túc Quân sự trung, cao cấp. Ngày 3/3/1961, Bộ Quốc phòng quyết định sáp nhập trường Bổ túc Quân sự trung - cao cấp và Trường Lý luận Chính trị trung - cao cấp thành Học viện Quân chính. Ngày 21/5/1965, Bộ Quốc phòng quyết định tách Học viện Quân chính thành 2 học viện: Học viện Quân sự và Học viện Chính trị.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Học viện đã đào tạo được hơn 15.000 lượt cán bộ trung, cao cấp, góp phần to lớn vào sự nghiệp xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, cũng như sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của dân tộc.
Sau ngày thống nhất đất nước, quân đội chuyển sang một giai đoạn mới cùng cả nước thực hiện hai nhiệm vụ là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Ngày 16/12/1981, Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 422/QĐ-QP đổi tên Học viện Quân sự thành Học viện Lục quân, với mục tiêu đào cán bộ theo trình độ CH - TM cấp chiến thuật, chiến dịch cho 8 chuyên ngành. Năm 2000, Bộ Quốc phòng bổ sung nhiệm vụ đào tạo sư đoàn trưởng, chỉ huy trưởng bộ chỉ huy quân sự tỉnh (thành) có trình độ CH - TM chiến thuật và một phần chiến dịch.
Quá trình xây dựng và trưởng thành nhiệm vụ của Học viện Lục quân luôn được bổ sung và phát triển cả về quy mô, đối tượng và loại hình đào tạo. Vị thế của Học viện Lục quân ngày càng được khẳng định trong hệ thống nhà trường Quân đội và hệ thống giáo dục quốc dân; sứ mạng và mục tiêu đào tạo của Học viện được xác định ngay từ khi thành lập, được phát triển, hoàn thiện theo từng giai đoạn cách mạng, phù hợp với yêu cầu phát triển của Quân đội, đất nước. Hiện nay, HVLQ là một trung tâm GD - ĐT cán bộ quân sự trung, cao cấp và nghiên cứu khoa học quân sự của Quân đội ta.
Sứ mạng của Học viện được công khai, mọi hoạt động của Học viện đều hướng vào thực hiện sứ mạng và mục tiêu đào tạo đã đề ra.
b. Cơ cấu tổ chức
Cơ cấu tổ chức biên chế của Học viện Lục quân gồm: Ban Giám đốc, Văn phòng và 10 phòng, ban chức năng, 17 khoa giảng viên, 04 hệ quản lý học viên và Khu Kinh tế - Quốc phòng 78. Đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục của Học viện được đào tạo cơ bản, có kinh nghiệm trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học; nhiều giảng viên đã trải qua thực tế chiến đấu, quản lý, chỉ huy đơn vị, có khả năng tổ chức tốt hoạt động giảng dạy, quản lý giáo dục theo mục tiêu, yêu cầu đào tạo. Hiện nay 100% giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục có trình độ đại học và sau đại học, trong đó có 49 giáo sư, phó giáo sư, 22 tiến sĩ, 148 thạc sĩ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ giáo dục và đào tạo, nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực quân sự, giải quyết những vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN.
c. Chức năng, nhiệm vụ
Chức năng
Học viện Lục quân trực thuộc Bộ Quốc phòng; là nơi đào tạo, bồi dưỡng sĩ quan chỉ huy, tham mưu cấp trung, sư đoàn và nghiên cứu khoa học quân sự.
Nhiệm vụ
- Đào tạo sĩ quan chỉ huy, sĩ quan tham mưu cấp trung đoàn, sư đoàn binh chủng hợp thành và các binh chủng: Tăng – Thiết giáp, Pháo binh, Công binh, Thông tin, Hóa học, Trinh sát, Phòng không Lục quân;
- Đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ khoa học quân sự;
- Đào tạo cán bộ giảng dạy chiến thuật binh chủng hợp thành cấp trung đoàn, sư đoàn cho các học viện, trường sĩ quan;
- Đào tạo sĩ quan chỉ huy, tham mưu quân sự địa phương cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương huyện (thành phố, quận, thị) thuộc tỉnh, thành phố;
- Đào tạo sĩ quan chỉ huy, tham mưu cấp trung đoàn, sư đoàn cho nước ngoài khi được Bộ Quốc phòng giao;
- Đào tạo ngắn hạn và hoàn thiện cho sĩ quan chỉ huy tham mưu cấp trung, sư đoàn và quân sự địa phương cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương huyện (thành phố, quận, thị) thuộc tỉnh, thành phố;
- Nghiên cứu biên soạn tài liệu khoa học quân sự phục vụ giảng dạy ở Học viện và tham gia nghiên cứu các đề tài khoa học quân sự do Bộ Quốc phòng giao;
- Sẵn sàng làm nhiệm vụ A2 khi có tình huống xảy ra và các nhiệm vụ khác khi được Bộ giao.
2. THÀNH TÍCH TIÊU BIỂU
Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong GD - ĐT và nghiên cứu khoa học, đóng góp to lớn đối với nhiệm vụ xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng - an ninh, xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam XHCN, Học viện vinh dự được Đảng, Nhà nước, Quân đội ta và nhà nước bạn Lào, Campuchia phong tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Sao vàng (2011); Huân chương Hồ Chí Minh (1985); Huân chương Quân công hạng Nhất (1976); Huân chương Quân công hạng Hai (1983); Huân chương Quân công hạng Ba (2017); 02 Huân chương Chiến công hạng Nhất (1962, 1984); Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (2001); Huân chương Tự do hạng Nhất và Huân chương Ít- sa- la hạng Nhì của Nhà nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào trao tặng (1977) và nhiều phần thưởng cao quý khác.
3. GIÁO DỤC ĐÀO TẠO VÀ NGHIÊN CỨU KHOA HỌC
a. Những nét chính về giáo dục đào tạo
Trong hơn 71 năm qua, Học viện đã đào tạo trên 400 khóa học, với gần 50 ngàn cán bộ CH - TM cấp trung đoàn, sư đoàn, chuyên ngành các binh chủng, cán bộ quân sự địa phương cấp huyện (quận), tỉnh (thành), giảng viên chiến thuật và hàng trăm tiến sĩ, thạc sĩ cho Quân đội ta và quân đội các nước bạn Lào, Campuchia, bồi dưỡng kiến thức Quốc phòng và An ninh cho cán bộ đối tượng 2,3,4. Nhiều công trình khoa học của Học viện đã được vận dụng kịp thời và có hiệu quả cho nhiệm vụ xây dựng, chiến đấu của lực lượng vũ trang nhân dân ta trong chiến tranh giải phóng cũng như trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Đội ngũ cán bộ đã qua đào tạo tại Học viện Lục quân có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có kiến thức toàn diện, chuyên sâu về quân sự, có năng lực, lãnh đạo, chỉ huy, hoàn thành tốt nhiệm vụ, khẳng định được vị trí, vai trò và uy tín trên cương vị công tác, nhiều đồng chí đã phát triển trở thành tướng lĩnh trong quân đội, cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước và nhà khoa học có uy tín.
* Các đối tượng đào tạo, bồi dưỡng của Học viện:
- Đào tạo cán bộ CH - TM cấp trung, sư đoàn bộ binh;
- Đào tạo chủ nhiệm binh chủng cấp sư đoàn (quân khu, quân đoàn) các chuyên ngành Trinh sát, Pháo binh, Tăng - Thiết giáp, Công binh, Thông tin, Hóa học;
- Đào tạo giảng viên chiến thuật BCHT cấp trung đoàn cho các học viện, nhà trường;
- Đào tạo ngắn hạn và hoàn thiện sĩ quan CH - TM cấp trung đoàn, quân sự địa phương cấp huyện, quận;
- Đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ quân sự.
- Bồi dưỡng kiến thức Quốc phòng và An ninh cho cán bộ đối tượng 2,3,4.
- Hợp tác đào tạo, bồi dưỡng với Quân đội nhân dân Lào, Quân đội Hoàng gia Campuchia:
+ Đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ quân sự;
+ Đào tạo sĩ quan CH - TM cấp trung, sư đoàn;
+ Đào tạo giảng viên chiến thuật binh chủng hợp thành.
* Hình thức đào tạo:
+ Đào tạo chính quy tập trung dài hạn;
+ Đào tạo chính quy tập trung ngắn hạn.
* Trình độ đào tạo: Đại học, Thạc sĩ, Tiến sĩ.
b. Khái quát hoạt động nghiên cứu khoa học
Cùng với công tác GD - ĐT, Học viện luôn quan tâm công tác NCKH và coi đây cũng là nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Đảng ủy, Ban Giám đốc đã có nhiều chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo và có cơ chế cụ thể, vận dụng linh hoạt các chính sách nhằm khuyến khích động viên, các thành phần, lực lượng tham gia NCKH. Trong 5 năm qua, nhiều đề tài cấp Nhà nước, cấp Bộ, cấp Học viện được nghiệm thu và vận dụng, đã giải quyết nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn, phát triển và làm phong phú thêm nền nghệ thuật quân sự Việt Nam. Kết quả cụ thể: hoàn thành biên soạn 08 đề tài cấp Bộ, 13 đề tài cấp ngành, 72 đề tài cấp cơ sở; 4 tập Điều lệnh chiến đấu được Hội đồng khoa học Bộ Quốc phòng đánh giá đạt chất lượng tốt; tài huấn luyện quân sự và nhân văn quân sự đã hoàn thành 149 tài liệu cấp Bộ, 39 tài liệu cấp BTTM; tài liệu dạy học, hoàn thành 26 giáo trình cấp Bộ, 4 giáo trình cấp BTTM và 444 tài liệu cấp Học viện; biên soạn 5 cuốn sách về Tổng kết chiến tranh và 24 cuốn sách về lịch sử các cơ quan đơn vị.
4. TRIỂN VỌNG PHÁT TRIỂN CỦA HỌC VIỆN LỤC QUÂN
Trong những năm tới mục tiêu tổng quát của Học viện là: tiếp tục đổi mới toàn diện, đồng bộ chương trình, nội dung đào tạo, đổi mới nội dung gắn với phương pháp dạy học, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, vững chắc về chất lượng giáo dục - đào tạo; đẩy mạnh nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận, nâng cao chất lượng, hiệu quả nghiên cứu khoa học, xứng tầm là trung tâm đào tạo cán bộ quân sự, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, bồi dưỡng nhân tài, nghiên cứu khoa học quân sự, khoa học giáo dục của quân đội, quốc gia.
Học viện tiếp tục quán triệt và triển khai, thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng về “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo”; thực hiện nghiêm chỉ lệnh huấn luyện của Bộ Quốc phòng, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo đại học, sau đại học, mở rộng hợp tác đào tạo; tập trung phát triển đội ngũ giảng viên, cán bộ chỉ huy, đảm bảo cơ sở vật chất, kỹ thuật, giáo trình, tài liệu đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giáo dục và đào tạo của Học viện trong tình hình mới.
Tiếp tục quán triệt Nghị quyết 791-NQ/QƯTW của Quân uỷ Trung ương “Về lãnh đạo công tác khoa học, công nghệ và môi trường trong Quân đội đến năm 2020 và những năm tiếp theo”, Học viện đã và đang triển khai nhiều giải pháp có tính khả thi để nâng cao tiềm lực, chất lượng, hiệu quả hoạt động khoa học của Học viện; nhất là các sản phẩm nghiên cứu khoa học; thực sự là một trung tâm nghiên cứu khoa học quân sự có uy tín hàng đầu của quân đội và quốc gia./.
Nguồn: Tổng hợp từ HVLQ