(Bqp.vn) - Dân tộc Xtiêng còn có các tên gọi khác là Xa Điêng, Xa Chiêng; thuộc nhóm ngôn ngữ Môn-Khmer. Đồng bào dân tộc Xtiêng cư trú lâu đời tại các tỉnh Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Nai, Lâm Đồng.
Về kinh tế, có thể phân biệt hai nhóm Xtiêng là Bù Đéc và Bù Lơ. Nhóm Bù Đéc ở vùng thấp, biết làm ruộng nước và dùng trâu, bò làm sức kéo, cày từ khá sớm; nhóm Bù Lơ ở vùng cao, làm rẫy là chủ yếu, sống gần gũi với người Mnông và người Mạ. Hiện nay, cùng với việc phát triển kinh tế vườn, đồng bào dân tộc Xtiêng còn trồng các loại cây công nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao, như cà phê, điều, tiêu, cao su..., nên đời sống của đồng bào dân tộc Xtiêng ngày càng thịnh vượng.
Các thiếu nữ Xtiêng thêu tấm thổ cẩm mang hoa văn truyền thống.
Các nữ dân quân dân tộc Xtiêng.
Đồng bào dân tộc Xtiêng có truyền thống yêu nước, chống ngoại xâm. Trong kháng chiến, vùng cư trú của đồng bào dân tộc Xtiêng đã trở thành căn cứ hậu cách mạng, như căn cứ hậu cần của Khu X. Dân quân du kích dân tộc Xtiêng chiến đấu kiên cường bất khuất, như du kích “Chiến khu Đ” đã trở thành nỗi khiếp sợ của quân địch, nhiều sĩ quan cao cấp của Pháp phải bỏ mạng khi đi vào khu vực này.Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, dân quân du kích dân tộc Xtiêng không chỉ phối hợp với bộ đội chủ lực đánh địch, mà còn độc lập chặn đánh quân địch trên những tuyến đường huyết mạch đã góp phần làm nên đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Nam của Tổ quốc những năm 70, 80 của thế kỷ XX, dân quân du kích dân tộc Xtiêng đã có những đóng góp quan trọng. Lực lượng dân quân, du kích dân tộc Xtiêng không chỉ tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu, mà còn tổ chức vót chông, thiết lập những bãi chông dài chạy dọc biên giới, góp phần cùng các lực lượng vũ trang nhân dân bảo vệ vững chắc toàn vẹn lãnh thổ.
Kết thúc các cuộc kháng chiến, đồng bào dân tộc Xtiêng có hai bà mẹ được Đảng và Nhà nước tuyên dương Mẹ Việt Nam anh hùng và một Anh hùng lực lượng vũ trang.
Ngày nay, lực lượng dân quân dân tộc Xtiêng được tổ chức chặt chẽ, rộng khắp, là lực lượng đầu trong các phong trào bảo vệ an ninh biên giới, phòng chống bạo loạn, trở thành lực lượng tin cậy của cấp ủy Đảng và chính quyền ở cơ sở trong thực hiện các nhiệm vụ của địa phương.